Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ ngày 1/1/2014

Vào những ngày đầu tiên của năm mới 2014, một số chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực pháp luật

1. Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực

Hiến pháp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực kể từ 1/1/2014. Bản Hiến pháp sửa đổi tiếp tục kế thừa phát triển, những nguyên tắc, nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp mới quán triệt chủ thuyết chủ quyền nhân dân, tức nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước, chủ thể cao nhất, chủ thể duy nhất về quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Điều này được thể hiện từ lời nói đầu và xuyên suốt bản Hiến pháp lần này.

Ngay sau khi có hiệu lực, Quốc hội và các cơ quan liên quan nhanh chóng bắt tay vào việc tuyên truyền phổ biến những nội dung Hiến pháp cho người dân, đồng thời các cơ quan công quyền có trách nhiệm phải cụ thể hóa, thể chế hóa những nguyên tắc của Hiến pháp thành các luật cụ thể và hoàn thành trước năm 2015 để từ năm 2016, nhiệm kỳ mới là phải thực hiện theo tinh thần của Hiến pháp mới.

Hiến pháp sửa đổi quy định, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình…

Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế…

Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tăng lương tối thiểu vùng

Từ ngày 1/1/2014, mức lương tối thiểu vùng sẽ từ 1.900.000 đến 2.700.000 đồng/tháng tăng 250.000-350.000 đồng so với hiện nay.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 tới đây như sau: Vùng I: 2.700.000 đồng/tháng; vùng II: 2.400.000 đồng/tháng; vùng III: 2.100.000 đồng/tháng; vùng IV: 1.900.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000-350.000 đồng/tháng.

3. Nhiều mức phạt vi phạm giao thông giảm

Nhiều mức vi phạm giao thông giảm như hành vi đi xe máy không chính chủ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng (Nghị định 71 là 800.000 đến 1,2 triệu đồng), ô tô từ 1 đến 2 triệu đồng (Nghị định 71 là 6 đến 10 triệu đồng); Thời điểm áp dụng quy định xử phạt này theo lộ trình sau: đối với xe ô tô từ 01/01/2015 và đối với mô tô, xe máy từ 01/01/2017.

Các hành vi xử phạt người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường, dừng đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với các hành vi không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu; bị phạt tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi mang vác cồng kền gây cản trở giao thông, vượt qua dải phân cách, đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy…

Nghị định cũng quy định thêm một số hành vi mới sẽ bị xử phạt như: Không dừng lại cấp cứu người bị nạn khi gây TNGT sẽ bị xử phạt nặng nếu không chứng minh được hành vi bỏ trốn của mình là do bị uy hiếp…

Tuy nhiên , quy định xử phạt chủ mô tô, xe máy không đăng ký sang tên đổi chủ sẽ chính thức có hiệu lực vào  1/1/2017.

4. Mẫu tờ khai thuế mới

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 156/2013/TT-BTC để hướng dẫn luật quản lý thuế sửa đổi bổ sung, thay thế Thông tư 28/2011/TT-BTC.

Theo đó, từ 1/1/2014, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện kê khai thuế sẽ áp dụng theo các biểu mẫu quy định tại Thông tư 156, không áp dụng theo các mẫu tờ khai trước đây.

5. Phạt nặng dự án triển khai không có giấy phép

Chính phủ mới ban hành Nghị định số 155/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó có quy định về xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.

Theo đó, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi kê khai không trung thực, không chính xác khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; đăng ký giải thể doanh nghiệp…

Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định.

Phạt tiền 10-20 triệu đồng không góp đủ số vốn như đã đăng ký và phạt tiền và 25-30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc kinh doanh dưới danh nghĩa doanh nghiệp khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc đã giải thể)…

Đặc biệt, phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014 và thay thế các Nghị định số 53/2007 ngày 4/4/2007 và Nghị định số 62/2010 ngày 4/6/2010.

6. Quảng cáo nhạy cảm, sai phạm: Phạt nặng

Từ tháng 1/2014, hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp sẽ bị siết chặt hơn. Thời gian qua, tình trạng những clip quảng cáo sản phẩm gây phản cảm, không giấy phép hoặc trái với quy định… của các doanh nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều phen khiến dư luận khá bức xúc và để lại nhiều hệ lụy xấu.

Trước thực trạng trên, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có những chế tài mới nhằm hạn chế và quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này. Theo đó, từ 1/1/2014 sẽ tăng mức phạt đối với quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm và phạt tới 100 triệu đồng với những quảng cáo nhạy cảm.

Hãy liên hệ với ANT Lawyers để được tư vấn chi tiết, theo địa chỉ:

Email: luatsu@antlawyers.com

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.