Các biện pháp phòng vệ thương mại

Khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các nước đều tự nguyện cắt bỏ những rào cản thương mại để hàng hóa có thể tự do lưu thông giữa các nước. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của Tổ chức thương mại thế giới, các nước vẫn được quyền áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi đáp ứng các điều kiện nhất định. Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO từ ngày 11/07/2007 và việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại này được quy định chi tiết tại Luật quản lý ngoại thương 2018.

Theo quy định của Luật quản lý ngoại thương 2018, các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ. Cụ thể (i) biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; (ii) biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; (iii) biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.

Ngành sản xuất trong nước được đề cập tại ba trường hợp trên đó là tập hợp các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc .đại diện của họ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành đó được sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, thiệt hại ngành sản xuất trong nước được xác định theo từng mức độ đó là (i) Thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước; (ii) Đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước; (iii) Ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; (iv) Thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước; (v) Đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước

Do việc áp dụng các biện pháp này gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam cũng như ngành sản xuất trong nước nên khi áp dụng các biện pháp này cần phải thực hiện theo 06 nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, áp dụng trong phạm vi, mức độ cần thiết, hợp lý, có thời hạn nhằm bảo vệ, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất trong nước;

Thứ hai, chỉ được áp dụng sau khi đã tiến hành điều tra minh bạch, công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật và phải dựa trên các kết luận điều tra;

Thứ ba, công bố công khai các quyết định về việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ tư, không thu khoản chênh lệch về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức cao hơn mức thuế phòng vệ thương mại tạm thời.

Thứ năm, hoàn lại khoản chênh lệnh về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức thấp hơn mức thuế phòng vệ thương mại tạm thời.

Thứ sáu, trường hợp Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức thì thuế phòng vệ thương mại tạm thời đã thu hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế phòng vệ thương mại tạm thời phải được hoàn lại.

Nếu quý khách cần thêm bất cứ thông tin hoặc có yêu cầu tư vấn liên quan phòng vệ thương mại có thể liên lạc trực tiếp tới ANT Lawyers để được hỗ trợ.

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.