Thủ tục xin Giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài

Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động xây dựng được quy định tại Điều 71 Nghị định 59/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 100/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2018. Về quy định điều kiện cấp phép tại Điều 71 Nghị định 59/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 100/2018/NĐ-CP được quy định như sau:

Đã có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư;

Có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đồng thời, nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu. Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện.

Ngoài ra, nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong Nghị định 59/2015/NĐ-CP quy định rườm rà, khi chia thành hai đối tượng: các gói thầu thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu; và các gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc áp dụng theo quy định pháp luật về đấu thầu. Các gói thầu thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu Nghị định 59/2015/NĐ-CP không buộc nhà thầu phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng, có thể hiểu các gói thầu thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu là các trường hợp quy định tại Điều 1 Luật Đấu thầu 2013, do đã thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì nhà thầu cũng phải đảm bảo đầy đủ các quy định về điều kiện trong luật này, đương nhiên bao gồm cả năng lực của nhà thầu, vì vậy có thể nhà làm luật trong Nghị định 59/2015/NĐ-CP đã ngầm hiểu nhà thầu phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu, chỉ quy định rõ điều kiện này đối với các gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc áp dụng theo quy định pháp luật về đấu thầu

Nhà thầu nước ngoài nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ tới cơ quan cấp Giấy phép hoạt động xây dựng, gồm:

– Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng (theo mẫu do Bộ Xây dựng quy định);

– Bản sao có chứng thực văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hợp pháp;

– Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp;

– Biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động liên quan đến các công việc nhận thầu và báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính trong 3 (ba) năm gần nhất (đối với trường hợp nêu tại Khoản 3 Điều 71 Nghị định Nghị định 59/2015/NĐ-CP);

– Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng chính thức hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công việc nhận thầu (đã có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu);

– Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu.

Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng phải làm bằng tiếng Việt. Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước có liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự. Các giấy tờ, tài liệu còn lại nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét hồ sơ để cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Hãy liên hê với ANT Lawyers để được tư vấn, theo địa chỉ:

Email: luatsu@antlawyers.com

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.