Giải quyết tranh chấp khi ly hôn đơn phương và quyền thăm con sau ly hôn

Bài viết  xin  đưa ra một số tranh chấp điển hình trong quan hệ hôn nhân và gia đình và hướng giải quyết theo quy định của pháp luật.

1. Yêu cầu ly hôn đơn phương.

Ly hôn là quyền của vợ, chồng. Các trường hợp ly hôn có thể là ly hôn thuận tình hoặc ly hôn đơn phương. Xảy ra mâu thuẫn trong vấn đề ly hôn thường rơi vào trường hợp ly hôn đơn phương, khi có 1 bên vợ/chồng đưa yêu cầu ly hôn đến Tòa án nhưng bên còn lại không đồng ý.

Luật hôn nhân và gia đình quy định về ly hôn đơn phương như sau: “khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án quyết định cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Khi một bên vợ/chồng đưa yêu cầu ly hôn đơn phương đến Tòa án, theo nguyên tắc chứng minh trong tố tụng dân sự, bên có yêu cầu ly hôn phải cung cấp các chứng cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu ly hôn của mình. Đó là các tài liệu chứng minh cho một trong các hành vi sau:

– Bạo lực gia đình;

– Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng;

– Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng

– Đời sống chung không thể kéo dài;

– Mục đích của hôn nhân không đạt được.

Trước khi Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từng đưa ra hướng dẫn chi tiết cho trường hợp ly hôn đơn phương như sau:

a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

– Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Hướng dẫn này đã được các Tòa án áp dụng trong giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương từ năm 2000 đến nay và vẫn được áp dụng cho đến khi có hướng dẫn mới nhất.

Trên thực tế việc đưa ra đầy đủ các chứng cứ chứng minh cho các căn cứ nêu trên là rất khó, bởi trong quan hệ hôn nhân, không có cặp vợ chồng nào lại nghĩ đến thời điểm ly hôn để thu thập chứng cứ. Hầu hết khi đưa đơn ly hôn đến Tòa án, bên có yêu cầu mới được Tòa án hướng dẫn thu thập chứng cứ, dẫn đến thời gian giải quyết kéo dài.

2. Quyền thăm nom con sau ly hôn.

Khi quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng chấm dứt, việc nuôi dưỡng con cái phải được giao cho một bên thực hiện. Người không trực tiếp nuôi dưỡng con có quyền và cũng là nghĩa vụ thăm nom con chung. Tuy nhiên trên thực tế, đã xảy ra không ít trường hợp cha/mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con không thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ trong việc thăm nom con, do sự cản trở, gây khó khăn từ người đang trực tiếp nuôi dưỡng con.

Về mặt quy định của pháp luật, hành vi cản trở quyền thăm nom con của cha/mẹ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình: “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của Tòa án, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau”.

Theo quy định này khi xảy ra hành vi cản trở quyền thăm nom con của cha/mẹ, người bị cản trở có quyền yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, buộc chấm dứt hành vi vi phạm.

Mặt khác, người bị cản trở thực hiện quyền thăm nom con cũng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền buộc người đang trực tiếp nuôi dưỡng con phải chấm dứt hành vi vi phạm, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho người không trực tiếp nuôi dưỡng con.

Hãy liên hệ công ty ANT Lawyers qua hòm thư điện tử luatsu@antlawyers.com  để được tư vấn.

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.