Lưu ý khi doanh nghiệp trả lương cho người lao động làm việc, trực ngày Tết

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 106 Bộ luật lao động 2012, làm thêm là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được pháp luật quy định hoặc theo thỏa ước, nội quy lao động.

Tùy theo nhu cầu và thỏa thuận của hai bên, doanh nghiệp có thể đề nghị người lao động làm thêm vào dịp Tết, nhưng không được quá 12 giờ trong 01 ngày và phải trả khoản tiền làm thêm giờ theo quy định pháp luật.

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, tiền lương làm thêm ngày Tết đối với người lao động được quy định như sau:

Người lao động làm thêm vào ban ngày của ngày Tết được hưởng ít nhất 300% lương ngày bình thường, chưa kể lương ngày Tết đó nếu người lao động lãnh lương.

Người lao động làm thêm vào ban đêm của ngày Tết, ngoài được hưởng 300% lương ngày bình thường chưa kể lương ngày Tết đó nếu người lao động lãnh lương theo ngày, người lao động còn được trả thêm ít nhất 30% lương ngày bình thường, và trả thêm ít nhất 20% lương ngày Tết.

Trong đó, giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Đối với trường hợp người lao động làm thêm ngày Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì trả lương làm thêm theo ngày Tết; nếu ngày nghỉ bù Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì trả lương làm thêm theo ngày nghỉ hàng tuần.

Ngoài ra, khi cho  làm người lao động thêm, doanh nghiệp cần lưu ý về số giờ làm thêm tối đa trong một ngày và phải tổ chức nghỉ bù cho người lao động theo quy định ở điều 106 Bộ luật lao động và điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP.

Trên đây là một số lưu ý khi tổ chức làm thêm giờ cho người lao động vào ngày Tết. Doanh nghiệp cần theo dõi để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời, người lao động cần nắm để đảm bảo quyền lợi của mình.

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.