Một số điểm mới của Luật Doanh Nghiệp năm 2014.

Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh không còn phức tạp như trước, nhưng không có nghĩa là được “thả nổi” hoàn toàn.

Luật doanh nghiệp sửa đổi đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2015. Sau thời gian dài thảo luận, Luật doanh nghiệp phần nào khắc phục những điểm hạn chế, đặc biệt là những điểm gây khó khăn, không khả thi đối với việc quản lý.

Theo đó, Giấy CNĐKDN chỉ còn 4 nội dung so với 10 nội dung trước đây (bỏ mục ngành nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập, Chi nhánh, Văn phòng dại diện, Địa điểm kinh doanh …). Trong đó điểm được nhận được sự quan tâm đặc biệt là bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy CNĐKDN; bỏ việc xác định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề … Điều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp, làm cho doanh nghiệp trở thành công cụ kinh doanh thực sự an toàn, đa công năng và rẻ hơn .

Có thể kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm

Trong khi đó, pháp luật đã có những quy định về các ngành nghề cấm kinh doanh. Số ngành nghề này, chắc chắn ít hơn rất nhiều so với số ngành nghề…được phép kinh doanh. Với nguyên tắc, người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, các doanh nghiệp hẳn nhiên có quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật mới không bao gồm ngành nghề kinh doanh, chỉ còn 4 khoản mục so với 5 khoản mục ban đầu.

Như vậy, các doanh nghiệp thay đổi, thêm bớt ngành nghề kinh doanh không cần phải làm lại giấy đăng ký doanh nghiệp, theo quy định tại điều 31 Luật doanh nghiệp mới. Tất nhiên, những thay đổi về vốn điều lệ, tên, trụ sở,… của doanh nghiệp vẫn cần đăng ký lại với các cơ quan chức năng.

Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh ở Luật mới chỉ mang tính “thông báo” giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng khi có sự thay đổi – và công khai trên cổng thông tin quốc gia. Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh không còn phức tạp như trước, nhưng không có nghĩa là được “thả nổi” hoàn toàn.

Đặt tên cho doanh nghiệp

Tháng 10/2014, Bộ TT&TT đã ra thông tư “Hướng dẫn đặt tên Doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc” gây dư luận trái chiều khi Thông tư cấm các doanh nghiệp dùng tên danh nhân đặt tên, trừ trường hợp tên chủ doanh nghiệp trùng với tên danh nhân.

Điều khoản này thực ra không có gì thay đổi trong Luật doanh nghiệp mới. Thông tư của Bộ TT&TT nhằm cụ thể hóa khoản 3, điều 39 Luật doanh nghiệp, quy định những điều cấm trong đặt tên.

Có thể ghi giảm vốn điều lệ không?

So với Luật doanh nghiệp 2005, Luật doanh nghiệp mới được thông qua cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giảm vốn điều lệ so với khi đăng ký trong trường hợp các cổ đông sáng lập Công ty cổ phần không góp đủ vốn như cam kết ban đầu. Luật doanh nghiệp cũ yêu cầu doanh nghiệp phải góp đủ, hoặc các cổ đông còn lại “chia nhau” trách nhiệm về khối lượng cổ phần bị hụt đó.

Doanh nghiệp Nhà nước được đối xử “bình đẳng”?

Một điểm đổi mới trong quy định về doanh nghiệp Nhà nước trong luật mới là chỉ những doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn mới được coi là DNNN. Như vậy, DNNN chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp như các Công ty TNHH MTV khác.

Nhà nước sở hữu dưới 100% vốn, doanh nghiệp sẽ được phân loại là công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Công ty cổ phần và cùng chịu sự điều chỉnh như các doanh nghiệp cùng loại.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp mới cũng đề ra một số điều khoản dành riêng cho DNNN.

Hãy liên hệ với công ty luật ANT Lawyers để được tư vấn.

Email: luatsu@antlawyers.com

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.