Quy định mới về cho thuê lại lao động

Quy định mới về cho thuê lại lao động

Các quy định mới về quyết định của chính phủ sẽ được ANTLAWYERS cập nhật liên tục và đưa đến những thông tin chính xác nhất. Quy định mới việc cho thuê lại lao động được ban hành vào.

Ngày 22/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành khoản 3 điều 54 của Bộ luật Lao động về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

Nghị định này quy định việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

I. Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng;

2. Bảo đảm vốn pháp định theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;

3. Có trụ sở theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;

4. Người đứng đầu doanh nghiệp bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

II. Điều kiện vốn pháp định đối với hoạt động cho thuê lại lao động

1. Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động là 2.000.000.000 đồng.

Doanh nghiệp cho thuê phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định trong suốt quá trình hoạt động.

2. Hồ sơ chứng minh điều kiện về vốn pháp định quy định tại Khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần hoặc của các thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên; quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân và đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là cá nhân;

b) Đối với số vốn được góp bằng tiền phải có văn bản xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam, nơi doanh nghiệp gửi vốn góp bằng tiền về mức vốn được gửi;

c) Đối với số vốn góp bằng tài sản phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá ở Việt Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.

3. Đối với doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Phải là doanh nghiệp chuyên kinh doanh cho thuê lại lao động, có vốn và tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp từ 10.000.000.000 đồng trở lên;

b) Đã có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 05 năm trở lên;

c) Có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận doanh nghiệp và người đại diện phần vốn góp của doanh nghiệp chưa có hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại hoặc pháp luật của nước có liên quan.

Các văn bản trên phải dịch ra tiếng Việt và được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng thực và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

III. Điều kiện địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cho thuê

Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cho thuê phải ổn định và có thời hạn ít nhất từ 02 năm trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký kinh doanh thì trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 02 năm trở lên.

IV. Điều kiện đối với người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho thuê

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng;

2. Có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 03 năm trở lên;

3. Trong 03 năm liền kề trước khi đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, không đứng đầu doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không tái phạm hành vi giả mạo hồ sơ xin cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ xin cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

V. Các hành vi bị cấm đối với hoạt động cho thuê lại lao động

1. Đối với doanh nghiệp cho thuê:

a) Trả tiền lương và chế độ khác cho người lao động thuê lại thấp hơn so với nội dung đã thỏa thuận với bên thuê lại lao động;

b) Cho doanh nghiệp khác mượn hoặc mượn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động để hoạt động cho thuê lại lao động;

c) Thu phí đối với người lao động thuê lại hoặc thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động;

d) Cho thuê lại lao động nhưng công việc thuê lại không thuộc Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này hoặc thực hiện việc cho thuê lại lao động vượt quá thời hạn cho thuê lại lao động theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;

đ) Thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động giữa doanh nghiệp cho thuê với doanh nghiệp khác trong Công ty mẹ – Công ty con, tập đoàn kinh tế mà doanh nghiệp cho thuê này là doanh nghiệp thành viên.

2. Đối với bên thuê lại lao động:

a) Thu phí đối với người lao động thuê lại;

b) Cho người sử dụng lao động khác thuê lại người lao động đã thuê;

c) Sử dụng người lao động thuê lại làm công việc không thuộc Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này hoặc sử dụng người lao động thuê lại vượt quá thời hạn cho thuê lại lao động theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

VI. Các trường hợp không được cho thuê lại lao động

1. Doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.

2. Doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với bên thuê lại lao động.

3. Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế.

4. Cho thuê lao động để làm các công việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trừ trường hợp người lao động đó đã sinh sống tại khu vực trên từ đủ 03 năm trở lên; công việc cho thuê lại lao động nằm trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

VII. Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động

1. Phiên dịch/ Biên dịch/ Tốc ký

2. Thư ký/Trợ lý hành chính

3. Lễ tân

4. Hướng dẫn du lịch

5. Hỗ trợ bán hàng

6. Hỗ trợ dự án

7. Lập trình hệ thống máy sản xuất

8. Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông

9. Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất

10. Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy

11. Biên tập tài liệu

12. Vệ sĩ/Bảo vệ

13. Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại

14. Xử lý các vấn đề tài chính, thuế

15. Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô

16. Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất

17. Lái xe

VIII. Thời hạn cho thuê lại lao động

1. Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng.

2. Khi hết thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp cho thuê không được tiếp tục cho thuê lại người lao động với bên thuê lại mà người lao động thuê lại vừa hết thời hạn cho thuê lại.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2013

Hãy liên hệ với ANT Lawyers để được tư vấn, theo địa chỉ:

Email: luatsu@antlawyers.com

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.