Quyền chuyển đổi giới tính

Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có nhiều thay đổi to lớn, trong đó không thể không nhắc đến quy định về chuyển đổi giới tính. Theo đó, BLDS 2015 đã cho phép công dân được thực hiện chuyển đổi giới tính, công nhận giới tính sau khi chuyển đổi và tạo điều kiện thuận lợi để người chuyển giới thực hiện thay đổi các vấn đề hộ tịch, nhân thân…

Ở Châu Á, rất ít quốc gia công nhận chuyển đổi giới tính, vì vậy, quy định của BLDS VN năm 2015 là một quy định rất tiến bộ, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân chúng, tạo ra hành lang pháp lý cho các vấn đề về chuyển đổi giới tính. Trong phạm vi bài viết này, người viết xin bàn về quy định chuyển đổi giới tính và một số vấn đề liên quan.

BLDS 2015 tại Điều 37 quy định về chuyển đổi giới tính như sau: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Trước đây, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận việc xác định lại giới tính cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về mặt giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Việc chuyển đổi giới tính của những người hoàn thiện về giới tính không được pháp luật cho phép. Do đó, những người đã chuyển đổi giới tính rất bấp bênh trong việc bảo vệ quyền của mình. Về mặt hình thể họ là nam hoặc nữ, nhưng trên giấy tờ nhân thân họ là nữ hoặc nam. Chính vì pháp luật Việt Nam không thừa nhận chuyển đổi giới tính nên các cơ quan hộ tịch không thể thay đổi hộ tịch cho những người này theo giới tính hiện tại. Cũng vì lẽ đó, một số quyền nhân thân, quyền tài sản, thậm chí là nhân phẩm, danh dự của những người này bị xâm phạm mà không được bảo vệ.

Vì vậy, BLDS 2015 cho phép công dân chuyển đổi giới tính là một quy tiến bộ, thể hiện sự điều chỉnh kịp thời của cơ quan lập pháp đối với những vấn đề mới phát sinh trong đời sống xã hội. Quy định này không những đảm bảo quyền lợi của một bộ phận người dân trong xã hội mà còn có ý nghĩa tăng cường bảo vệ quyền lợi cho những nhóm người yếu thế trong xã hội.

Song song với việc thừa nhận chuyển đổi giới tính, BLDS 2015 cũng có những quy định để đảm bảo các quyền nhân thân cho người chuyển đổi giới tính. Những người đã chuyển đổi giới tính có quyền thay đổi họ tên, cải chính hộ tịch và những quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính như kết hôn, nhận con nuôi…

Mặc dù pháp luật đã có hướng mở cho việc chuyển đổi giới tính nhưng đây không phải là một quyền dân sự vô hạn như quyền về danh dự, nhân phẩm, uy tín, tính mạng, sức khỏe, thân thể, hình ảnh và các quyền nhân thân khác. Khi công dân thực hiện chuyển đổi giới tính phải tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của pháp luật. Các văn bản liên quan phải xác định những đối tượng nào được chuyển đổi giới tính, các cơ sở y tế nào được thực hiện chuyển đổi giới tính, cách thức chuyển đổi giới tính, tình trạng hôn nhân của công dân như thế nào, quy trình thay đổi hộ tịch sau khi chuyển đổi giới tính như thế nào…

Lần đầu tiên pháp luật Việt Nam cho phép công dân chuyển đổi giới tính do đó sẽ có nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm phát sinh, đó là các vấn đề liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình cũng như các chính sách an sinh xã hội. Chẳng hạn như việc thay đổi tên gọi, xác định lại giới tính trong giấy tờ hộ tịch. Với người chuyển giới, giới tính hiện tại của họ không trùng với giới tính khi sinh ra, các giấy tờ nhân thân trước đó ghi theo giới tính khi sinh ra. Điều này dẫn đến hệ quả khi một người chuyển giới họ phải cải chính thông tin trên giấy tờ nhân thân và các giấy tờ khác có liên quan như văn bằng, chứng chỉ… Đây sẽ là một vấn đề phức tạp đối với một người đã có một quá trình dài lao động, làm việc, có rất nhiều các loại giấy tờ cá nhân do nhiều cơ quan ban hành.

Một vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng khi BLDS 2015 cho phép chuyển đổi giới tính, có thể nào xảy ra trường hợp một cặp vợ chồng đã kết hôn và có con chung, sau đó người chồng (hoặc người vợ) chuyển đổi giới tính mà chưa ly hôn, lúc đó sẽ xảy ra sự việc hôn nhân đồng giới?

Xoay quanh vấn đề tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho quy định chuyển đổi giới tính có rất nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm đặt ra cho các cơ quan lập pháp. Kể từ nay đến ngày BLDS 2015 có hiệu lực pháp luật vẫn còn một quá trình dài để những nhà làm luật đưa ra những quy định cụ thể để “chuyển đổi giới tính” được đi vào đời sống một cách phù hợp và hiệu quả.

Hãy liên hệ công ty ANT Lawyers qua hòm thư điện tử luatsu@antlawyers.com hoặc số Hotline để được tư vấn.

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.