Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định dịch vụ phát thanh, truyền hình

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet là sự gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ truyền hình trên Internet của người dân thay cho các phương thức truyền thống trước đây. Dịch vụ truyền hình trên Internet cung cấp các chương trình trong nước, ngoài nước, phim ảnh … đã đem về nguồn doanh thu không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình và các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới có thu phí. Tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng về mặt pháp lý cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài cùng kinh doanh cung cấp dịch vụ này đến người sử dụng dịch vụ, vừa qua, ngày 01/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định được ban hành đã bổ sung các quy định mới về việc quản lý đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình, các nội dung nổi bật như sau:

Đối với chính sách quản lý, Nghị định quy định việc quản lý hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam, bao gồm cả dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam phải chịu sự quản lý và tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đối với loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet (OTT TV), doanh nghiệp có thể lựa chọn 2 mô hình cung cấp dịch vụ: (i) OTT TV cung cấp cả kênh trực tuyến và nội dung theo yêu cầu (VOD) và (ii) OTT TV chỉ cung cấp VOD (OTT TV VOD). Đối với dịch vụ OTT TV VOD, doanh nghiệp không bắt buộc phải cung cấp các kênh chương trình như các dịch vụ truyền thống và chỉ cần thực hiện kê khai theo mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông, thay vì phải lập Đề án như trước đây để xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước có những điều kiện về kỹ thuật tương đương như doanh nghiệp nước ngoài, được tham gia cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet. Doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường cũng phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép như doanh nghiệp trong nước.

Điểm nổi bật tiếp theo của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là bổ sung quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu (VOD). Doanh nghiệp được chủ động biên tập, phân loại đối với các loại nội dung VOD là phim, chương trình thể thao, giải trí khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (trước đây, theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, tất cả nội dung VOD đều phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ). Theo đó, nội dung này cầu được phân thành 03 nhóm để thực hiện như sau:

(i) Đối với các chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội: phải được cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ;

(ii) Đối với phim: Trước khi cung cấp trên dịch vụ, doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định; trường hợp doanh nghiệp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;

(iii) Đối với chương trình thể thao, giải trí: Doanh nghiệp phải biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp căn cứ nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan để thực hiện hoạt động biên tập, phân loại.

Về quy định quản lý biên dịch, doanh nghiệp được chủ động trong hoạt động biên dịch. Biên dịch nội dung theo yêu cầu các chương trình nước ngoài, kênh chương trình nước ngoài doanh nghiệp phải đảm bảo tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Ngoài việc bổ sung các quy định về chính sách quản lý, Nghị định 71/2022/NĐ-CP đã bổ sung các quy định nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính, định hướng trực tuyến hóa các thành phần hồ sơ để giảm chi phí cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình. Theo đó, doanh nghiệp muốn xin cấp giấy phép (ví dụ như giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền), sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép, cấp lại giấy phép, chỉ cần chuẩn bộ 01 (một) bộ hồ sơ (trước đây là hai bộ, 01 bộ bản chính, 01 bộ bản sao) và có thể nộp trực tuyến trên cổng cung ứng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông (đối với các trường hợp có chứng thực điện tử). Bên cạnh đó, thời gian xử lý các thủ tục, hồ sơ trên cũng được rút ngắn đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính được nhanh chóng, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

For Clients Speaking English

ANT Lawyers is a law firm in Vietnam with English speaking lawyers, located in the business centers of Hanoi, Danang and Ho Chi Minh City to provide convenient access to our clients. Please contact us via email ant@antlawyers.vn or call our office at +84 28 730 86 529 for legal service in Vietnam

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.