Đăng ký kinh doanh và công bố lưu hành mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm ngày càng trở nên sôi động với sự xuất hiện của hàng loạt nhãn hiệu mỹ phẩm và các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của mỹ phẩm cũng ngày càng trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên, mỹ phẩm lại là một loại hàng tiêu dùng được sử dụng trực tiếp lên các bộ phận cơ thể con người, tạo nên các ảnh hưởng trực tiếp, nên pháp luật quy định chặt chẽ về việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm. Trong phạm vi bài viết này, người viết xin giới thiệu quy định của pháp luật về việc đăng ký kinh doanh và công bố lưu hành mỹ phẩm.

I.Đăng ký kinh doanh mỹ phẩm

Hoạt động kinh doanh mỹ phẩm là ngành nghề không có điều kiện đăng ký kinh doanh. Mã ngành kinh tế Việt Nam đối với ngành nghề này là 4649 đối với hoạt động bán buôn mỹ phẩm và 4772 đối với hoạt động bán lẻ, mở shop mỹ phẩm.

1.1. Đối tượng được đăng ký kinh doanh mỹ phẩm

Tất cả các cá nhân, tổ chức không thuộc trường hợp bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp, bị cấm góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014.

1.2. Đăng ký thành lập doanh nghiệp

Do kinh doanh mỹ phẩm không phải là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó, cá nhân, tổ chức muốn đăng ký kinh doanh mỹ phẩm chỉ cần đáp ứng yêu cầu khi thành lập doanh nghiệp:

(i) Tên doanh nghiệp không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký; sử dụng từ ngữ, ký hiệu không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;

(ii) Chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;

(iii) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Khi đáp ứng các điều kiện này, cá nhân, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đúng ngành nghề đã đăng ký.

II.Công bố lưu hành mỹ phẩm.

2.1. Các trường hợp mỹ phẩm phải công bố

Theo quy định của Bộ Y tế, các đối tượng mỹ phẩm cần công bố gồm có:

(i) Mỹ phẩm được sản xuất trong nước: là tổ chức, cá nhân sản xuất ra mỹ phẩm đó.

(ii) Mỹ phẩm nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam: là tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm mỹ phẩm trực tiếp nhập khẩu hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu mỹ phẩm đó.

(iii) Đối với mỹ phẩm của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam: là tổ chức, cá nhân làm đại lý bán mỹ phẩm đó.

Như vậy, không phải tất cả các cơ sở hoạt động kinh doanh mỹ phẩm đều phải tiến hành thủ tục công bố lưu hành mỹ phẩm, chỉ những loại mỹ phẩm mới được sản xuất hoặc mới được nhập khẩu vào Việt Nam để lưu thông mới yêu cầu phải công bố. Các cơ sở bán buôn, bán lẻ, shop mỹ phẩm nếu có sản phẩm mỹ phẩm mới sản xuất hoặc nhập khẩu mới phải thực hiện công bố.

Hoạt động công bố mỹ phẩm là bắt buộc trước khi mỹ phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ.

2.2. Hồ sơ đăng ký công bố lưu hành mỹ phẩm

  1. Đối với mỹ phẩm sản xuất hoặc đóng gói tại Việt Nam hồ sơ công bố gồm có:

– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp). Trường hợp mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất thì phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất (có chứng thực hợp lệ);

– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (trong trường hợp mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất).

  1. Đối với mỹ phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, hồ sơ công bố gồm có:

– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);

– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam. Giấy uỷ quyền phải là bản có chứng thực chữ ký và được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

– Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đáp ứng các yêu cầu sau:

(i) CFS do nước sở tại cấp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn hạn. Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.

(ii) CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2.3. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm

– Đối với mỹ phẩm nhập khẩu: Cục quản lý dược – Bộ Y tế.

– Đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước: Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất.

2.4. Thời gian thực hiện.

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp lệ và lệ phí công bố theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

ANT Lawyers là công ty luật cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý tại Việt Nam và hỗ trợ khách hàng Việt Nam cho các vụ việc tại các nước trong mạng lưới liên kết hơn 150 nước.

Hãy liên hệ công ty luật ANT Lawyers qua hòm thư điện tử luatsu@antlawyers.com hoặc gọi số Hotline để được tư vấn.

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.