Tương trợ tư pháp ở Việt Nam

Ngày nay các quốc gia ngày càng chú trọng đến hoạt động tương trợ tư pháp bằng việc ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong các lĩnh vực pháp luật. Việt Nam cũng đã ký kết và tham gia khá nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương trong vấn đề tương trợ tư pháp. Trong phạm vi bài viết này, người viết xin giới thiệu quy định về phạm vi tương trợ tư pháp theo pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật tương trợ tư pháp năm 2007.

Nguyên tắc tương trợ tư pháp (TTTP)

– Nguyên tắc 1: tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên.

– Nguyên tắc 2: trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với tập quán và pháp luật quốc tế.

Theo nguyên tắc trên, hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trước hết căn cứ vào điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia có yêu cầu TTTP. Điều ước quốc tế về TTTP là sự thỏa thuận giữa các quốc gia ký kết, thành viên về cam kết hộ trợ pháp lý trong hoạt động TTTP. Mặc dù vậy, hoạt động TTTP vẫn đặt trong phạm vi nhất định, không vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia.

Trong trường hợp giữa Việt Nam và quốc gia có yêu cầu TTTP chưa có điều ước quốc tế, hoạt động TTTP được thực hiện dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Tức là, quốc gia yêu cầu TTTP đã từng thực hiện TTTP theo yêu cầu của Việt Nam và khi có yêu cầu từ nước ngoài Việt Nam đáp lại yêu cầu.

Phạm vi tương trợ tư pháp

 Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

Điều 10 Luật TTTP 2007 xác định phạm vi hoạt động TTTP đối với yêu cầu TTTP ra nước ngoài cũng như yêu cầu TTTP của nước ngoài:

  • Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến TTTP về dân sự;
  • Triệu tập người làm chứng, người giám định;
  • Thu thập chứng cứ, cung cấp chứng cứ;
  • Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.

Đúng với ý nghĩa của hoạt động hỗ trợ, yêu cầu TTTP chỉ được thực hiện trong phạm vi các hoạt động tống đạt, triệu tập, thu thập, cung cấp chứng chứ. Ngoài ra các biện pháp tư pháp khác trong tố tụng dân sự cũng có thể được yêu cầu thực hiện TTTP.

 Tương trợ tư pháp về hình sự

Điều 17 Luật TTTP xác định phạm vi TTTP về hình sự giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm những công việc sau:

  • Thu thập, cung cấp chứng cứ;
  • Triệu tập người làm chứng, người giám định;
  • Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về hình sự
  • Truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Trao đổi thông tin;
  • Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về hình sự.

Có thể thấy phạm vi tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự cũng bao gồm các hoạt động tống đạt, triệu tập, thu thập, cung cấp chứng cứ và mở rộng ra ở hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý nặng nề nhất đối với công dân, do đó, các hoạt động TTTP trong lĩnh vực hình sự được Luật TTTP quy định khá chặt chẽ.

Ủy thác tư pháp của nước ngoài sẽ bị hoãn hoặc từ chối thực hiện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự một người về hành vi phạm tội mà người đó đã bị kết án, được tuyên không có tội hoặc được đại xá, đặc xá tại Việt Nam;
  • Gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia;
  • Không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Liên quan đến hành vi phạm tội đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam;
  • Liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.

Hoạt động công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài.

Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được thực hiện theo thủ tục tố tụng quy định tại các luật tố tụng, có thể xem là một giai đoạn tố tụng.

 Phạm vi bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;

c) Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.

Có thể thấy Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đưa ra quy định trên đã khái quát được hầu hết các quan hệ pháp luật dân sự trong đời sống pháp luật quốc tế. Trong đó, việc xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trước hết được thực hiện theo điều ước quốc tế Việt Nam và nước ngoài ký kết hoặc cùng là thành viên; trường hợp chưa có điều ước quốc tế, việc xét công nhận và cho thi hành được thực hiện dựa trên nguyên tắc có đi có lại.

Phạm vi phán quyết của Tòa án nước ngoài được xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

“1. Phán quyết của Trọng tài nước ngoài sau đây được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:

a) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;

b) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

2. Phán quyết của Trọng tài nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành.

3. Trọng tài nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định của Luật trọng tài thương mại của Việt Nam”.

Khác với các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, pháp luật Việt Nam chỉ xem xét công nhận và cho thi hành đối với các phán quyết của Trọng tài thương mại nước ngoài. Tức là, các phán quyết của Trọng tài nước ngoài giải quyết các tranh chấp thương mại mới là đối tượng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Việc xem xét công nhận và cho thi hành cũng dựa trên quy định của điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước ngoài; trường hợp chưa có điều ước quốc tế được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại.

Hoạt động tương trợ tư pháp là một hoạt động có tính chất quốc tế, vì vậy được quy định cụ thể trong các điều ước quốc tế, đó là sự thỏa thuận, sự cam kết giữa các quốc gia trong quan hệ hợp tác quốc tế.

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.