Lập di chúc chung của vợ chồng theo quy định pháp luật

Vợ chồng có mong muốn lập di chúc chung để định đoạt những tài sản chung của vợ, chồng có thể tham vấn ý kiến của luật sư lập di chúc

1.     Cơ sở pháp lý của việc lập di chúc chung vợ chồng như thế nào

Hôn nhân là một quan hệ đặc biệt được gắn kết bằng một chất liệu mà pháp luật không thể can thiệp, đó là tình cảm gắn bó vợ chồng. Trên thực tế, nhiều trường hợp vợ chồng có mong muốn lập di chúc chung để định đoạt những tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại không quy định về vấn đề lập di chúc chung của vợ chồng. Vậy, việc áp dụng pháp luật trong các trường hợp vợ, chồng mong muốn lập di chúc chung được thực hiện như thế nào? 

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, việc lập “di chúc chung của vợ chồng” từng được quy định gần nhất trong Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS 2005) mà đến nay đã bị thay thế bởi Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015). Theo đó, có thể hiểu: Di chúc chung của vợ chồng là sự thể hiện ý chí của vợ chồng nhằm chuyển tài sản chung của vợ chồng cho người khác sau khi cả vợ và chồng chết. Liên quan đến lập di chúc chung của vợ chồng, BLDS 2005 dành ba điều luật quy định những vấn đề đặc thù của loại di chúc này về khái niệm; sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ; hiệu lực pháp luật.

Với cách hiểu nói trên, sau khi BLDS 2005 hết hiệu lực, trong các văn bản pháp luật hiện hành, đặc biệt phải kể đến BLDS 2015 là văn bản có phạm vi điều chỉnh trực tiếp vấn đề thừa kế và di chúc, không còn quy định nào về lập “di chúc chung của vợ chồng”. Như vậy, không có nghĩa việc lập di chúc chung của vợ chồng bị hạn chế.

Do đó, có thể áp dụng pháp luật đối với những trường hợp vợ, chồng lập “di chúc chung của vợ chồng theo cách hiểu của BLDS 2005” sau khi BLDS 2005 không còn hiệu lực như sau:

2.     Lập di chúc chung của vợ chồng dưới hình thức một loại di chúc

Theo nguyên tắc của pháp luật dân sự, cá nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng; việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Theo đó, vợ và chồng hoàn toàn có quyền tự do thỏa thuận về việc lập một di chúc mà tại đó ghi nhận ý chí chung của cả vợ và chồng về tài sản chung, nhưng cần phù hợp với quy định pháp luật về di chúc.

Như vậy, để được bảo vệ là một di chúc hợp pháp và khi được coi là di chúc hợp pháp theo quy định BLDS 2015, ngoài những quy định về di chúc nói chung, ý chí chung của vợ và chồng phải phù hợp một số quy định đặc thù sau:

Thứ nhất, là di chúc hợp pháp:

Ý chí chung đó trước hết phải là một di chúc theo quy định pháp luật, là nhằm chuyển tài sản chung của vợ chồng cho người khác sau khi cả vợ và chồng chết.

Di chúc phải đáp ứng yêu cầu của một di chúc hợp pháp gồm: 

i) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

 ii) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc phù hợp với quy định của pháp luật. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ:

Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào cho nên vợ và chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào và việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung phải được sự thống nhất của cả vợ và chồng.

Thứ ba, thời điểm có hiệu lực pháp luật:

Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Mà thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Do đó, thời điểm có hiệu lực pháp luật của di chúc chung vợ, chồng là kể từ khi cả vợ và chồng chết.

3.     Lập di chúc chung của vợ chồng dưới hình thức một loại hợp đồng có điều kiện

Cũng dựa trên nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của chủ thể pháp luật dân sự, vợ và chồng hoàn toàn có quyền giao kết một hợp đồng dân sự, trong đó thỏa thuận về việc định đoạt tài sản chung, có thể làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thứ ba; đồng thời, xác định sự kiện cả vợ và chồng chết là thời điểm hợp đồng được thực hiện và không cần phải do chính vợ và chồng thực hiện.

Như vậy, để được bảo vệ và khi được bảo vệ với tư cách là một hợp đồng dân sự, di chúc chung của vợ chồng phải phù hợp quy định pháp luật về hợp đồng dân sự.

Thứ nhất, là hợp đồng có điều kiện theo quy định pháp luật:

Là một hợp đồng dân sự, di chúc chung của vợ chồng phải là sự thoả thuận giữa vợ và chồng về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ đối với tài sản chung của vợ và chồng. Các quyền và nghĩa vụ này có thể phát sinh với người thứ ba, không buộc phải do chính vợ và chồng thực hiện. Không phải là một hợp đồng dân sự thông thường, di chúc chung vợ, chồng là hợp đồng có điều kiện mà theo đó việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. Như vậy, trong hợp đồng này, vợ và chồng sẽ thỏa thuận thời điểm tài sản chung được chia.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung, thay thế, chấm dứt, hủy bỏ:

Theo quy định pháp luật về hợp đồng, vợ và chồng hoàn toàn có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung di chúc chung. Vợ chồng cũng có thể thỏa thuận để thay thế di chúc chung cũ bằng di chúc chung mới sau khi chấm dứt di chúc hoặc chấm dứt hẳn di chúc theo quy định về chấm dứt hợp đồng. Điều khác biệt nhất trong quá trình hủy bỏ, chấm dứt di chúc chung dưới dạng hợp đồng là việc vợ và chồng có thể đơn phương hủy bỏ, chấm dứt theo quy định pháp luật.

Thứ ba, thời điểm có hiệu lực pháp luật:

Không giống như di chúc, hợp đồng này có thể có hiệu lực từ thời điểm giao kết hoặc do thỏa thuận nhưng thời điểm hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp này vốn không đáng quan tâm bằng thời điểm quyền và nghĩa vụ đối với tài sản chung xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt. Do đó, có thể hiểu, hiệu lực pháp luật của hợp đồng sẽ do vợ và chồng thỏa thuận, nếu không sẽ có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu lực của hợp đồng, vợ và chồng còn phải thỏa thuận một thời điểm quan trọng hơn, đó là thời điểm tài sản chung được chia. Một điều cần lưu ý là để đảm bảo mục đích của hợp đồng là chia di sản, thời điểm này sẽ không được rơi vào thời điểm được coi là chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật về hôn nhân và gia đình.

4.     Áp dụng pháp luật trong giải quyết vấn đề liên quan đến di chúc chung của vợ chồng

Là một vấn đề không được pháp luật quy định cụ thể, trong trường hợp vợ và chồng muốn lập di chúc chung của vợ chồng nhưng có những vấn đề không áp dụng được các quy định đã nêu trên và cũng không thỏa thuận được thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Trường hợp không có tập quán được áp dụng thì các bên áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng.

Tóm lại, do pháp luật bỏ ngỏ vấn đề về lập di chúc chung của vợ chồng, cho nên, vợ và chồng có ý chí thực hiện di chúc chung hoàn toàn có thể tự do thỏa thuận dưới dạng di chúc hoặc hợp đồng có điều kiện theo quy định pháp luật tương ứng mỗi hình thức. Hoặc có thể nhờ đến sự giúp đỡ của luật sư lập di chúc, để được hỗ trợ về thủ tục pháp lý đúng với quy định của pháp luật. Đối với các vấn đề liên quan không có thỏa thuận, tập quán, quan hệ dân sự tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng sẽ được lần lượt áp dụng để giải quyết.

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.