10 điều cần biết khi đầu tư vào Việt Nam

Dưới chính sách mở cửa thị trường, tăng trưởng kinh tế, Việt Nam rất khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức đầu tư trực tiếp bằng cách thành lập Doanh nghiệp tại Việt Nam.

Việt Nam là một môi trường đầu tư tiềm năng với nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế về thị trường lao động lớn, giá nhân công rẻ, thị trường kinh tế phong phú, nhiều ưu đãi và chính sách mở cửa nhằm thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong một vài trường hợp, nhà đầu tư cần phải đáp ứng các điều kiện về vốn, lĩnh vực đầu tư và giấy phép.

Dưới đây là những vấn đề Nhà đầu tư nước ngoài cần biết khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam:

1. Lĩnh vực nào nên đầu tư vào Việt Nam?

Có rất nhiều lĩnh vực có thể đầu tư vào Việt Nam, trong đó chia làm hai loại: Lĩnh vực đầu tư có điều kiện và Lĩnh vực đầu tư không có điều kiện. Với các lĩnh vực về thương mại, y tế, giáo dục… là những lĩnh vực Nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện về kinh nghiệm, chứng chỉ hành nghề hoặc vốn đầu tư. Những lĩnh vực này yêu cầu phải có sự thẩm tra, chấp thuận bởi các Bộ ngành liên quan. Đối với những lĩnh vực đầu tư không có điều kiện, việc đầu tư không cần phải xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn.

2. Tên của Doanh nghiệp nên đặt như thế nào?

Việc đặt tên Công ty tại Việt Nam sẽ gồm Tên Công ty bằng tiếng việt, Tên công ty bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Ba tên này có thể được sử dụng thay thế cho nhau có giá trị pháp lý như nhau trong các văn bản, giấy tờ.

3. Doanh nghiệp có thể đặt trụ sở tại đâu?

Nhà đầu tư có thể đặt trụ sở tại nhà riêng, văn phòng cho thuê nơi có đủ các giấy tờ pháp lý về quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp, có mục đích sử dụng làm văn phòng. Đối với nhà chung cư hoặc căn hộ để ở sẽ không được phép đặt trụ sở hoặc văn phòng làm việc.

4. Có các loại hình doanh nghiệp nào nhà đầu tư có thể thành lập?

Tùy thuộc vào số lượng và quy mô tổ chức, Nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp sau: Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty Cổ phần hoặc Công ty Liên doanh (giữa Nhà đầu tư nước ngoài và Nhà đầu tư Việt Nam).

5. Vốn đầu tư bao nhiêu để được phép đầu tư vào Việt Nam?

Vốn đầu tư phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư và là một yếu tố để dễ dàng nhận được sự chấp thuận đầu tư bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong một số lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, ngân hàng và tài chính sẽ yêu cầu nhà đầu tư phải đáp ứng một số vốn pháp định khi thực hiện hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực này. Trong các lĩnh vực đầu tư khác không có quy định về vốn pháp định thì Luật không quy định một mức vốn tối thiểu nào cần phải đáp ứng tuy nhiên một số vốn quá thấp có thể sẽ bị từ chối đầu tư tại Việt Nam. Trong tất cả các lĩnh vực, Nhà đầu tư phải chứng minh khả năng tài chính của mình đủ điều kiện góp vốn đã cam kết.

6. Ai sẽ là người đại diện theo pháp luật Của Công ty?

Nhà đầu tư cần chỉ định một người là đại diện theo pháp luật của Công ty. Người này có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài, không yêu cầu phải cư trú tại Việt Nam trong quá trình thành lập. Tuy nhiên, sau khi thành lập, người đại diện phải cư trú tại Việt Nam, nếu vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày cần phải ủy quyền cho người khác thực hiện các công việc điều hành Công ty. Nếu người đại diện theo pháp luật là một trong các thành viên góp vốn của Công ty, cổ đông hoặc thành viên Hội đồng quản trị, Chủ sở hữu Công ty thì sẽ không yêu cầu phải cấp Giấy phép lao động khi làm việc tại Việt Nam. Các trường hợp khác, phải xin Giấy phép lao động và xin cấp thẻ tạm trú để được phép tạm trú lâu dài tại Việt Nam.

7. Thời gian thành lập là bao lâu?

Thời gian thành lập phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hay không. Đối với các lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện, thời gian thành lập là 20 ngày làm việc. Đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, thời gian sẽ kéo dài lâu hơn phụ thuộc vào thời gian thẩm tra của các Bộ ngành liên quan, thông thường sẽ kéo dài từ 45 – 60 ngày làm việc.

8. Cơ quan nào sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư?

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính sẽ là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Sở kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ đối với các Doanh nghiệp có trụ sở đặt trên địa bản tình, thành phố ngoài Khu công nghiệp. Ban quản lý Khu công nghiệp sẽ tiếp nhận và xử lý đối với các hồ sơ của Doanh nghiệp có trụ sở đặt trong Khu công nghiệp mà mình quản lý. Đối với một số lĩnh vực đặc biệt, việc đầu tư còn phải được sự chấp thuận của các Bộ chuyên ngành như: lĩnh vực thương mại phải được Bộ Công thương chấp thuận, lĩnh vực giáo dục phải được Bộ Giáo dục và đào tạo đồng ý…

9. Nghĩa vụ thuế là gì?

Các loại thuế chủ yếu tại Việt Nam áp dụng đối với doanh nghiệp là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế môn bài,… trong một số trường hợp hoặc lĩnh vực đặc biệt, Doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường hoặc thuế đất…. Hiện nay, thuế thu nhập doanh nghiệp đang ở mức 22% và sẽ giảm 20% vào năm 2016. Việc xuất khẩu được khuyến khích, nên thuế xuất khẩu thường thấp hơn, tuy nhiên, một số mặt hàng đặc biệt sẽ chịu thuế xuất khẩu cao. Thuế giá trị gia tăng ở các loại hình dịch vụ, sản phẩm thông thường là 10%, tuy nhiên đối với các mặt hàng nông sản có thể ở mức 0% hoặc một số dịch vụ là 5%.

10. Doanh nghiệp phải thực hiện những nghĩa vụ báo cáo gì sau khi thành lập?

Sau khi thành lập, tùy vào lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo liên quan đến hoạt động kinh doanh như: báo cáo hoạt động mua bán hàng hóa; báo cáo hoạt động xuất khẩu, báo cáo hoạt động nhập khẩu, báo cáo hoạt động lưu trú, du lịch…. Việc  báo cáo được thực hiện theo quý, 6 tháng hoặc một năm. Việc báo cáo phải tuân thủ tính trung thực, chính xác và đúng thời hạn.

Chúng tôi, ANT Lawyers, môt hãng luật tại Hà Nội và Hồ Chí Minh có thể hỗ trợ khách hàng trong việc cấp phép và thực hiện các thủ tục sau cấp phép để giúp khách hàng tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc đầu tư tại Việt Nam.

Để được tư vấn chi tiết, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:

Email: luatsu@antlawyers.com

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.