Giải quyết vụ án dân sự theo BLTTDS 2015

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, các vụ việc dân sự được giải quyết theo thủ tuc tố tụng dân sự xảy ra sau ngày 01/7/2016 được giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại BLTTDS mới này. BLTTDS đã có những thay đổi lớn lao trong quy trình giải quyết vụ việc dân sự so với BLTTDS năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011. ANT Lawyers xin giới thiệu đến Quý khách hàng quy định về giải quyết vụ án dân sự.

1. Quyền khởi kiện

BLTTDS xác định đối tượng có quyền khởi kiện vụ án dân sự bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân với các điều kiện về năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, để xác định một đối tượng có quyền khởi kiện vụ án dân sự hay không chúng ta phải căn cứ vào việc đối tượng đó có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự đó hay không. Đó cũng là định nghĩa dễ hiểu nhất về khái niệm đương sư – là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự. Người khởi kiện (nguyên đơn) là người cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm. Người bị kiện (bị đơn) là người được cho rằng đã có hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Ngoài những đối tượng có quyền và nghĩa vụ trực tiếp trong vụ việc dân sự, đối tượng khác không có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng có quyền khởi kiện khi họ đứng ra bảo vệ lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước bị xâm phạm.

2. Phạm vi khởi kiện.

Một cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong một vụ án. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, tổ chức, cá nhân về một hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để cùng giải quyết trong một vụ án.

3. Thẩm quyền của Tòa án.

BLTTDS cùng với quy định về hệ thống tòa án theo Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 đã phân chia thẩm quyền của Tòa án theo loại việc và tính chất của vụ việc. Theo đó:

– Các vụ việc về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên; các tòa chuyên trách khác có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự tương ứng.

– Tòa cấp huyện giải quyết các vụ việc chỉ gồm những yếu tố trong nước; Tòa cấp tỉnh giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

4. Chuẩn bị khởi kiện vụ án dân sự.

Để khởi kiện vụ án dân sự, người khởi kiện cần chuẩn bị các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị đơn khởi kiện

Thông thường đơn khởi kiện được làm theo mẫu do Tòa án địa phương ấn định và có các nội dung sau:

– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

– Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có);

– Tên, nơi cư trú, làm việc/địa chỉ trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ;

– Tên, nơi cư trú, làm việc/địa chỉ trụ sở của người bị kiện;

– Tên, nơi cư trú, làm việc/địa chỉ trụ sở của người có quyền và nghĩa vụ liên quan;

– Tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

– Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những yêu cầu Tòa án giải quyết;

– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Bước 2: chuẩn bị tài liệu, chứng cứ gửi kèm. Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện những tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Giả sử trong trường hợp khởi kiện đòi tài sản trong quan hệ vay mượn, người khởi kiện phải đưa ra chứng cứ chứng minh về sự tồn tại của quan hệ vay mượn và quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Bước 3: nộp đơn khởi kiện. Có 3 hình thức gửi đơn khởi kiện như sau:

– Nộp trực tiếp

– Gửi theo đường bưu chính

– Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử.

5. Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp dân sự.

Hiện nay nhu cầu được tư vấn giải quyết các vụ việc dân sự ngày càng phát triển, các vụ việc tương đối phức tạp. Thêm vào đó các chủ thể thường không có sự am hiểu pháp luật và trình tự tố tụng nên thường mất phương hướng và không biết cách giải quyết các vướng mắc của mình. ANT Lawyers với đội ngũ luật sư và chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm sẽ tư vấn và hướng dẫn Quý khách hàng trong việc giải quyết tranh chấp dân sự, cụ thể:

  • Xác định nội dung vụ kiện, đối tượng tranh chấp, tòa án có thẩm quyền, thời hiệu khởi kiện, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của hồ sơ;
  • Đưa ra phướng án cụ thể giải quyết tranh chấp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng cho khách hàng;
  • Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan khi ban hành những quyết định không đúng thủ tục, trình tự…Ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng;
  • Tiến hành điều tra, phân tích, thu thập các chứng cứ cần thiết, kiểm tra đánh giá chứng cứ trước khi giao nộp trướcTòa án;
  • Soạn thảo đơn khởi kiện và các giấy tờ liên quan khác cho đương sự;
  • Tham gia tố tụng với tư cách là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ tại tòa án các cấp trong các vụ án liên quan đến quan hệ dân sự có tranh chấp;
  • Tham gia tố tụng với tư cách là đại diện ủy quyền- nhân danh khách hàng thực hiện tất cả các phương án và cách thức theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng một cách tốt nhất tại các cấp tòa xét xử.

 

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.