Một Số Điểm Mới Của Luật Tài Nguyên Nước, Quy Định 10 Hành Vi Bị Nghiêm Cấm

Chiều ngày 27/11/2023, với 468 đại biểu tán thành, chiếm 94, 74% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong Luật này có một số điểm mới cần lưu ý như sau: 

Bổ sung quy định về đảm bảo an ninh nguồn nước 

Luật sửa đổi bổ sung các quy định về đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, bao gồm việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án và các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với các tình huống đe dọa an ninh nguồn nước quốc gia 

Luật tài nguyên nước

Về kê khai, đăng ký, cấp phép về tài nguyên nước 

Trong Luật sửa đổi đã quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời, quy định chuyển tiếp việc hoàn thành việc đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các công trình thủy lợi chậm nhất là ngày 30/6/2027, quy định tại khoản 6 Điều 86 dự thảo Luật. 

Tách bạch quản lý tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước 

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy,…); đồng thời, giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các Luật. 

Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; quy định cụ thể về bảo vệ nguồn nước quan trọng cấp cho sinh hoạt; quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước. 

Luật mới cung đã bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của Nhà nước hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng Nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm. 

Bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó, quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hóa, chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc “đầu tư lại” trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước. 

Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng kinh tế 

Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước. 

Dự thảo Luật bổ sung quy định về đối tượng và nội dung về thu trữ nước mưa và việc sử dụng nước mưa tại các khu vực thường xuyên hạn hán thiếu nước và vùng thường xuyên ngập lụt; quy định cơ chế, chính sách trong việc thu trữ nước mưa. 

Bổ sung, cập nhật quy định theo hướng kiểm soát toàn diện các hoạt động có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, đến ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ chứa, ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông,… 

Bổ sung quy định về phân vùng chức năng nguồn nước; quy định nội dung giám sát, trách nhiệm giám sát và kết nối dữ liệu giám sát của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước theo hướng tự động liên tục hoặc định kỳ đảm bảo giám sát khai thác, sử dụng nước của công trình… nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước để bảo vệ số lượng, chất lượng của nguồn nước và bảo vệ các dòng sông. 

Xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước 

Ngoài ra, trong Luật cũng bổ sung nội dung về xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Để giải quyết hiệu quả các vấn đề cụ thể của từng lưu vực sông xảy ra ở tiểu lưu vực đang gặp phải như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt,… tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực. 

Quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên & Môi trường, các bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. 

Quy định 10 hành vi bị nghiêm cấm 

Luật Tài nguyên nước mới đã quy định cụ thể 10 hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: 

  • Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước; 
  • Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; 
  • Xả nước thỏa chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường vào nguồn nước mặt, nước biển; 
  • Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; 
  • Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép; 
  • Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục;  
  • Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ;  
  • Phá hoại các công trình bảo vệ, điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;  
  • Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan có thẩm quyền ban hành;  
  • Xây dựng đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan. 

Công ty Luật TNHH ANT (ANT Lawyers)

Là công ty luật Việt Nam cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp tại Việt Nam. ANT Lawyers do các luật sư và cộng sự có kinh nghiệm và chuyên môn cao về pháp lý điều hành. Các lĩnh vực tư vấn pháp lý gồm kinh doanh, thương mại, tranh chấp.

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.