Đặt tên trên giấy khai sinh cho trẻ em theo quy định pháp luật Việt Nam

Họ, tên là yếu tố cơ bản nhất để nhận dạng và phân biệt cá nhân. Tuy nhiên, cách đặt họ, tên phải tuân thủ theo quy định của pháp luật thì mới được ghi vào giấy khai sinh và có giá trị về mặt pháp lý. Quy định về vấn đề này được ghi nhận trong Bộ luật dân sự, Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Thông tư số 04/2020/TT-BTP.

Bộ luật dân sự đã khẳng định về quyền có họ, tên tại khoản 1 Điều 26 như sau: Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”. Một trong những nội dung đăng ký khai sinh được nêu tại khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch năm 2014 là “Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; …”. Trong đó, họ của cá nhân thông thường sẽ theo tập quán trừ trường hợp cha mẹ có thỏa thuận khác hoặc đứa trẻ không xác định được cha đẻ thì họ của con sẽ theo họ mẹ. Quy định này được nêu tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật dân sự và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.  Bộ luật dân sự cũng đưa ra nguyên tắc đặt tên: “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”. Ngoài ra, Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP điều chỉnh về nội dung khai sinh yêu cầu: “Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng”. Tuy nhiên, quy định này còn thiếu tính minh thị, rõ ràng vì chưa có quy chuẩn để xác định tên như thế nào thì được coi là giữ gìn được bản sắc dân tộc, tập quán và số lượng từ bao nhiêu thì tên bị coi là quá dài.

Đối với trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha mẹ đẻ thì căn cứ vào hoàn cảnh thực tế để xác định họ cho trẻ theo quy định tại khoản 2 Điều 26. Nếu trẻ đã được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi và việc đăng ký khai sinh sẽ do cha hoặc mẹ nuôi thực hiện. Nếu trẻ chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Hiện nay, theo xu hướng hội nhập, nhiều cha mẹ muốn đặt tên con là tiếng nước ngoài. Căn cứ vào các quy định và nguyên tắc nói trên, pháp luật nước ta chưa cho phép thực hiện điều đó. Còn trong trường hợp đứa trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch 2008 quy định: “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, nếu đứa trẻ có quốc tịch Việt Nam thì dù có cha/mẹ là người nước ngoài thì vẫn không được đặt tên theo tiếng nước ngoài mà phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ngược lại, nếu cha mẹ đều thống nhất cho đứa trẻ mang quốc tịch nước ngoài thì việc đặt tên cho đứa trẻ sẽ tuân theo quy định nước đó thay vì quy định nước ta.

Pháp luật nước ta đã xây dựng những quy định về việc đặt họ, tên và họ, tên phải đáp ứng các quy định này để được ghi vào Giấy khai sinh. Cha mẹ cần lưu ý điều này để quá trình đăng ký khai sinh cho trẻ được thuận lợi, giảm thiểu những sai sót xảy ra. 

Click Below For English Version

English speaking lawyer in Vietnam?

Related Posts

Tư vấn thủ tục đăng ký khai sinh

Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài

For Clients Speaking English

ANT Lawyers is a law firm in Vietnam with English speaking lawyers, located in the business centers of Hanoi, Danang and Ho Chi Minh City 

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.