Nhận xét về một số điểm mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2009 và 2019 để phù hợp với thực tiễn áp dụng, kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng và hội nhập quốc tế của lĩnh vực này, yêu cầu hoàn thiện luật tiếp tục được đặt ra để pháp luật trong nước thống nhất với pháp luật quốc tế. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (gọi chung là Luật sửa đổi, bổ sung) vào ngày 16/06/2022 và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Luật mới sửa đổi, bổ sung hơn 100 điều khoản của Luật SHTT, trong đó tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn. Trong phạm vi giới hạn của bài viết này, một số điểm mới nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ sẽ được phân tích

Thứ nhất, Luật SHTT cập nhập, chỉnh sửa và hoàn thiện việc giải thích các từ ngữ sao cho chặt chẽ và thống nhất. Bất kỳ đạo luật nào cũng sẽ có điều khoản giải thích những từ ngữ chuyên ngành của lĩnh vực được điều chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình liên kết giữa khái niệm và quy định, sự thiếu thống nhất hoặc hiểu nhầm vẫn xảy ra nên việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết. Cụ thể, một số khái niệm tại Điều 4 Luật SHTT như: tác phẩm phái sinh; tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình; sao chép; phát sóng; kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu liên kết; nhãn hiệu nổi tiếng; chỉ dẫn địa lý được giải thích, làm rõ. Khái niệm có thể được coi là nền tảng để xác định và áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến những phát đề nảy sinh xung quanh khái niệm đó, chẳng hạn như quyền tác giả của tác phẩm phái sinh hay quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý. Khái niệm theo Luật sửa đổi, bổ sung không phải đổi mới hoàn toàn mà đơn giản chỉ là kế thừa và hoàn thiện từ luật cũ, do đó, không khó để thích nghi và áp dụng.

Thứ hai, Luật sửa đổi bổ sung quy định cụ thể hơn về quyền tác giả và quyền liên quan; kéo dài thời hạn bảo hộ; đồng thời, có sự thay đổi trong việc chuyển nhượng, chuyển giao các quyền này. Bên cạnh những tác phẩm được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả, tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh công bố lần đầu tiên được kéo dài thời hạn bảo hộ từ 50 năm lên 75 năm. Có thể nhận xét rằng, việc bảo hộ quyền tác giả ngày càng được coi trọng và trở nên chặt chẽ hơn.  Sự thay đổi lớn nhất đó là Luật sửa đổi, bổ sung cho phép tác giả chuyển giao thêm một quyền nhân thân nữa. Căn cứ vào Điều 41 Luật SHTT 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019, tác giả chỉ được chuyển giao một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và một quyền nhân thân duy nhất là quyền công bố tác phẩm. Cho đến Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022, Điều 19 cho phép “tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản”. Đồng thời, quy định tại Điều 47 trước đây: “Tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm…” được sửa đổi thành “Tác giả không được chuyển quyền sử dụng quyền nhân thân quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 19 của Luật này…”. Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc tác giả được quyền chuyển giao hai quyền nhân thân là quyền công bố tác phẩm và quyền đặt tên cho tác phẩm. Từ đó, chủ sở hữu được chuyển giao quyền hoàn toàn có thể đặt tên hoặc thay đổi tên và điều đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của tác giả.

Thứ ba, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022 làm rõ các hành vi xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan. Điều 28 quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả ban đầu có 16 khoản, sau đó được rút gọn cô đọng, súc tích thành 8 khoản nhưng vẫn đầy đủ và bao quát được nội dung. Chẳng hạn, khoản 1 “chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học”, khoản 2 “mạo danh tác giả”, khoản 3 “Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả”, … đều được gộp lại trong khoản 1 và 2 của luật mới là “xâm phạm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả”.  Bên cạnh đó, các điều khoản tại Điều 35 về hành vi xâm phạm quyền liên quan đều được bổ sung và giải thích. Ngoài ra, cả Điều 28 và Điều 35 còn thêm khoản 11 về hành vi “không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian”. Công nghệ kỹ thuật và mạng Internet phát triển mạnh mẽ kéo theo sự hình thành của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Quy định “doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian” lần đầu xuất hiện trong Luật SHTT, thể hiện sự phát triển và hoàn thiện của luật nhằm điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Ngoài ra, đối với các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm đến quyền tác giả, theo Luật sửa đổi, bổ sung thì khi sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Sự thay đổi này nhằm đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm đó, tránh tình trạng có sự hiểu nhầm người sử dụng chính là tác giả của tác phẩm.

Thứ tư, thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp trở nên đơn giản, tinh gọn hơn. Nếu như Luật chưa sửa đổi chỉ quy định nộp đơn trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam thì sau khi luật được sửa đổi, đơn đăng ký xác lập quyền có thể được nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy (nộp trực tiếp) hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến. Quy định mới thể hiện sự cập nhập phù hợp với sự phát triển của trình độ khoa học công nghệ thông tin của thời đại số. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể có thể dễ dàng nộp đơn, đặc biệt là các chủ thể có khoảng cách về địa lý mà không cần ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn. Đồng thời, nó cũng giảm bớt nguồn nhân lực mà vốn cần để tiếp nhận đơn trực tiếp

Thứ năm, việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca lần đầu được quy định trong Luật SHTT. Cụ thể, “Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca” (được bổ sung vào Điều 7.2). Như vậy, việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca được cho phép mà không bị bất kỳ tổ chức, cá nhân nào ngăn chặn, cản trở nếu mục đích của việc sử dụng đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT 2005 đã cập nhập, hoàn thiện hơn 100 điều luật để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ của đất nước và thống nhất với nội dung của những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để Luật sửa đổi, bổ sung đạt được kết quả tốt khi thi hành, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành  các quy định hướng dẫn chi tiết, chú trọng công tác tổ chức thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật đi vào cuộc sống. Sự thành công của Luật sửa đổi sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của lĩnh vực sở hữu trí tuệ nước ta.

For Clients Speaking English

ANT Lawyers is a law firm in Vietnam with English speaking lawyers, located in the business centers of Hanoi, Danang and Ho Chi Minh City to provide convenient access to our clients. Please contact us via email ant@antlawyers.vn or call our office at +84 28 730 86 529 for legal service in Vietnam

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn

Chúng tôi có mặt tại các văn phòng ở trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.